- Trang chủ
- giới thiệu
- sản phẩm
- Tin tức
- Dịch vụ
- Thông Báo
- Quy Trình
- liên hệ
Trong khi đó phân hữu cơ lại có vai trò cải thiện kết cấu đất, làm đất tơi xốp, giảm chua, tăng lượng muối khoáng, chất vi lượng, tăng cường côn trùng và vi sinh vật có ích trong đất. Hiện nay, nhiều nông hộ đã biết đến điều này và đã sử dụng thêm nhiều phân hữu cơ đặc biệt là các loại phân chuồng nhưng việc sử dụng phân hữu cơ chưa đạt hiệu quả tối ưu do chủ yếu bón khi chưa ủ hoai mục hoặc ủ nhưng không đảm bảo quy trình kỹ thuật làm thất thoát các chất dinh dưỡng đặc biệt là chất đạm trong quá trình phân hủy, ủ phân.
Di Linh là một huyện chuyên canh cây cà phê, hàng năm sau mùa thu hoạch có một lượng rất lớn phụ phế phẩm là vỏ cà phê. Phần lớn vỏ cà phê được vứt bỏ vung vãi ven lề đường để cho nước cuốn trôi khi đến mùa mưa hoặc đem đốt. Một số ít được tái sử dụng như đem bỏ vào gốc cà phê hoặc trộn chung mới một số loại phân chuồng rồi đem bón cho cây. Trong vỏ cà phê chứa một lượng lớn Cenlulose và Lignin là những hợp chất hữu cơ khó phân hủy trong điều kiện bình thường nên việc sử dụng vỏ cà phê chưa ủ hoai làm phân bón cho cây trồng không những cây không hấp thu được chất dinh dưỡng mà còn gia tăng khả năng phát tán nhiều mầm bệnh. Trong khi đó hàm lượng dinh dưỡng trong vỏ cà phê là rất lớn 25 – 30% chất hữu cơ; 1,8 – 2% N; 0,18 – 0,22% P2O5; 3 – 3,5% K2O và nhiều nguyên tố trung, vi lượng thiết yếu như Ca, Mg, S, Zn, B, …. Do đó, việc không xử lý đúng cách hoặc không sử dụng vỏ cà phê gây lãng phí dinh dưỡng, ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh cho vụ cà phê năm sau.
Hiện nay một số cơ quan nghiên cứu khoa học đã sản xuất thành công những loại chế phẩm sinh học chứa những vi sinh vật có khả năng phân giải Cellulose và Lignin rất mạnh và đã được ứng dụng thành công trong việc phân giải vỏ cà phê như Viện Thổ Nhưỡng Nông Hóa, Trường Đại Học Tây Nguyên, Chi Nhánh Viện Ứng Dụng Công Nghệ Tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, … Những chế phẩm sinh học này được cấy một loại nấm có tên là Trichoderma thúc đẩy quá trình phân hủy của các hợp chất hữu cơ thành dạng dễ hấp thu cho cây vừa cung cấp dinh dưỡng vừa tăng khả năng kháng bệnh của cây trồng. Nấm Trichoderma phát triển mạnh trên bề mặt rễ hay vỏ rễ có khả năng tiết ra Enzim ức chế hoạt động của các loại nấm gây bệnh như: nấm Fusadium .v.v. nấm gây bệnh thối rễ tơ cây cà phê (bệnh vàng lá cà phê) đồng thời nâng cao khả năng sinh trưởng phát triển của cây trồng do chúng kích thích sự hình thành nhiều hơn và phát triển mạnh hơn của bộ rễ so với bình thường.
Việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật sử dụng men ủ vi sinh vật phân giải vỏ cà phê làm phân vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp ở quy mô hộ gia đình là rất phù hợp và dễ áp dụng góp phần cải tạo độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm, hạ giá thành đầu tư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần tăng giá trị cà phê dần phát triển thâm canh cà phê theo hướng bền vững.
Năm 2009, Trung Tâm Nông Nghiệp Di Linh đã thực hiện 04 mô hình ủ vỏ cà phê làm phân hữu cơ vi sinh và tiến hành hội thảo đầu bờ tại các xã trọng điểm cà phê trong huyện như: xã Hòa Bắc, Tân Châu, Đinh Lạc. Các mô hình cho kết quả tốt và được người dân nhiệt tình hưởng ứng nhân rộng. Nhằm tiếp tục nhân rộng mô hình ra toàn huyện, nhất là ở các xã vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn, từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp năm 2010, Trung tâm nông nghiệp Di Linh tiếp tục thực hiện 10 mô hình ủ vỏ cà phê làm phân hữu cơ vi sinh.
Nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật ủ vỏ cà phê kết hợp với sử dụng đúng loại men vi sinh có chất lượng tốt sau khi ủ 2,5 – 3 tháng sẽ cho một loại phân hữu cơ sinh học có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao hơn phân chuồng loại tốt: có lượng N gấp đôi, lượng Kali gấp ba lần và lượng Lân gấp 1,5 lần. Do vậy nếu sử dụng đúng cách, hợp lý vỏ cà phê làm phân hữu cơ vi sinh thì sẽ rất tốt cho cây trồng.
Tóm tắt quy trình ủ vỏ cà phê làm phân hữu cơ vi sinh: Hiện nay có nhiều công ty sản xuất loại men ủ vỏ cà phê, mỗi công ty sản xuất theo một quy trình khác nhau và các nguyên liệu cũng như quy trình ủ cũng khác nhau. Do vậy khi sử dụng men ủ vỏ của công ty nào sản xuất, bà con cần tuân thủ theo đúng quy trình hướng dẫn trên bao bì sản phẩm nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm sau khi ủ.
Dưới đây là quy trình ủ vỏ sử dụng men ủ vỏ của Trung tâm nghiên cứu và thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng sản xuất. Nguyên liệu: Vỏ quả cà phê 1.000kg (4 m3); phân chuồng 100kg (tùy khả năng từng nông hộ bà con có thể trộn toàn bộ lượng phân chuồng có); phân urê 07kg; phân lân 25kg; Rỉ đường (đường đen) 02kg; vôi 25kg; chế phẩm men vi sinh 02kg. Toàn bộ kinh phí đầu tư cho 1.000kg (4m3) là 581.000 đồng.
Các bước tiến hành như sau:
- Hoạt hoá men: Tiến hành hoạt hóa men vi sinh bằng cách cho 02kg chế phẩm vi sinh vào 200 lít nước, bổ sung 02 lít rỉ đường hoặc 02 kg đường đen, khuấy đều cho tan trước khi tiến hành ủ từ 3 – 5 giờ. Sau đó tưới dung dịch đã được hoạt hóa vào đống ủ.
- Phối trộn nguyên liệu và ủ: vỏ cà phê được tưới nước bảo đảm đủ ẩm từ 50 – 60 % (lấy một nắm bóp chặt thấy rỉ nước ra kẽ tay là được) cho toàn bộ khối ủ và trộn đều với phân chuồng, phân lân, phân urê (đảo như trộn bê tông cho đều) và rải từng lớp vỏ đã trộn như trên dầy 15 - 20cm tưới dung dịch đã được hoạt hóa đều lên bề mặt, tiếp tục rải lớp vỏ khác và tưới dung dịch hoạt hóa cho đến hết khối lượng vỏ cần ủ. Tiến hành lên luống cao 1,3 – 1,5 m, bề rộng luống từ 2,3 – 3 m, chiều dài đống ủ tùy thuộc vào khối lượng nguyên liệu. Dùng bạt hay rơm rạ tủ đống ủ để giữ ẩm và giữ nhiệt cho đống ủ. Thường xuyên kiểm tra độ ẩm đống ủ sau 25 – 30 ngày tiến hành đảo trộn đống ủ và tưới nước bổ sung nếu đống ủ thiếu ẩm (độ ẩm 50 – 60 %). Sau ủ 03 tháng vỏ cà phê đã hoai mục toàn bộ khối vỏ chuyển mầu đen vo trên đầu ngón tay nhuyễn như mùn là có thể sử dụng để bón cho cây trồng. Qua thực tế nghiên cứu các nhà khoa học đã xác định hàm lượng chất dinh dưỡng trong sản phẩm ủ từ vỏ cà phê như sau:
THÀNH PHẦN CHẤT DINH DƯỠNG CỦA PHÂN HỮU CƠ SINH HỌC
ĐƯỢC CHẾ BIẾN TỪ VỎ QUẢ CÀ PHÊ
Stt |
Chỉ tiêu |
Phân hữu cơ sinh học chế biến từ vỏ cà phê |
Phân chuồng lại tốt |
01 |
pH |
8,22 |
7,60 |
02 |
Hữu cơ (%) |
28,07 |
32,45 |
03 |
N (%) |
1,95 |
1,54 |
04 |
P2O5 (%) |
0,84 |
0,89 |
05 |
K2O (%) |
4,09 |
1,23 |
06 |
Ca2+ |
36,82 |
36,60 |
07 |
Mg2+ |
26,72 |
|
22,37 |
- Tác dụng tích cực của phân hữu cơ vi sinh ủ từ vỏ cà phê: Tăng cường cải tạo kết cấu đất giúp đất tơi xốp, tăng khả năng giữ ẩm và chất dinh dưỡng trong đất cung cấp cho cây sử dụng. Cung cấp chất hữu cơ, côn trùng, vi sinh vật có ích và một số nguyên tố vi lượng giúp đất tơi xốp, kích thích sự phát triển bộ rễ giúp cây xanh tốt. Cung cấp dinh dưỡng, đặc biệt là Kali ( 04% ) cho cây trồng làm giảm chi phí phân bón hoá học. Hạn chế phát tán mầm bệnh, nấm Trichoderm là nấm đối kháng ức chế nấm bệnh gây thối rễ tơ làm vàng lá trên cây cà phê và giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường nông thôn do vỏ cà phê.
Từ 1 tấn vỏ cà phê, phân chuồng và các loại phân bón ban đầu nông hộ đã có được từ 4 – 5 m3 phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng với tổng kinh phí thực hiện để ủ 1 tấn vỏ cà phê là 581.000 đồng. Kinh phí này có thể biến động tùy theo lượng phân chuồng mà nông hộ sử dụng và nếu nông hộ có sẵn phân chuồng thì kinh phí chỉ là 281.000 đồng. Như vậy, việc tận dụng vỏ cà phê làm phân bón chi phí rẻ hơn rất nhiều so với việc mua phân vi sinh hoặc các loại phân hữu cơ khác. Với đầu tư chi phí ban đầu thấp nguyên liệu sẵn có, dễ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và trình độ của bà con nông dân, đây thực sự là mô hình cần nhân rộng ứng dụng thực tế nhất là đối với bà con vùng đồng bào dân tộc khó khăn trong huyện Di Linh, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững theo hướng hữu cơ.